#Phát triển con người
Viêm phế quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
02/03/2023
Viêm phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng do virus gây viêm và sưng ở ống phế quản, từ đó hình thành chất nhầy bên trong phổi và làm thu hẹp đường thở dẫn đến khó thở. Hầu hết bệnh sẽ cải thiện trong vài ngày, nhưng cũng có người sẽ bị ho kéo dài.
Những nguyên nhân nào gây bệnh viêm phế quản cấp?
Một số nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp như sau:
- Virus: Một số loại virus thường gặp điển hình như virus herpes, virus cúm A – B… là nguyên nhân phổ biến khiến bạn mắc viêm phế quản cấp.
- Vi khuẩn: Có một số nhóm vi khuẩn có thể gây viêm phế quản như vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn liên cầu, vi khuẩn E.coli, vi khuẩn Haemophylus influenzae…
- Do bệnh lý: Trào ngược dạ dày, dị ứng đường hô hấp trên… cũng có thể khiến bạn vị viêm phế quản cấp.
- Hệ miễn dịch yếu: Khi sức đề kháng yếu, chỉ gặp phải một số loại bệnh nền mãn tính hoặc bị cảm lạnh cũng khiến cơ thể dễ dàng bị viêm phế quản cấp.
- Thời tiết: Khi thời tiết có sự thay đổi, vùng niêm mạc hô hấp dễ bị kích ứng, gây ra tình trạng sưng và viêm.
- Khói thuốc: Dù trực tiếp hay gián tiếp thì khói thuốc cũng là nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đối với niêm mạc đường hô hấp vì có Nicotin.
Nhận biết viêm phế quản cấp qua những triệu chứng nào?
Người bệnh sẽ nhận ra được bệnh viêm phế quản cấp thông qua một số triệu chứng khác nhau trên cơ thể. Với triệu chứng nhẹ ở giai đoạn đầu thường người bệnh thường khá chủ quan, chính vì vậy mà tình trạng bệnh của một số người trở nặng hơn.
- Ho: Những cơn ho khan, ho có đờm là triệu chứng phổ biến kéo dài, kèm theo đó là những cơn đau tức ngực hay bị chảy nước mũi. Khi xuất hiện cơn ho, khu vực mũi họng xuống đến phổi đã bị viêm ở một vị trí nào đó.
- Đau họng: Vùng cổ họng sẽ bị sưng to gây ra cảm giác ngứa rát và đau khi nuốt.
- Sốt: Người bệnh có thể bị sốt theo từng cơn hoặc kéo dài, nhẹ hay nặng tuỳ thuộc vào cơ thể và tình trạng bệnh. Tuy nhiên, ít người bệnh không có triệu chứng sốt.
- Có đờm: Đờm với các màu xanh, trắng hoặc vàng xuất hiện bởi các phản ứng viêm. Đây là một triệu chứng được chẩn đoán do vi khuẩn hoặc virus.
- Khò khè: Thành ống phế quản bị viêm dẫn đến sưng, phù nề làm hẹp diện tích. Do đó, khi thở không khí đi qua nơi này sẽ hẹp lại và phát ra tiếng khò khè.
- Mệt mỏi: Cơ thể người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, uể oải… vì sức đề kháng suy yếu.
- Thở gấp, khó thở.
Khi gặp các triệu chứng trên kéo dài quá 5 ngày, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm.
Điều trị viêm phế quản cấp bằng cách nào?
Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị viêm phế quản cấp dựa trên các triệu chứng của bệnh như sau:
Triệu chứng ho
Ho là một phản xạ tất yếu của cơ thể, giúp tống đờm và dịch nhầy ra khỏi đường hô hấp. Tuy nhiên, nếu ho tới mức mất ngủ, nôn ói thì cần phải điều trị để giảm triệu chứng ho. Bạn có thể uống nhiều nước ấm, dùng thêm các loại thuốc có tác dụng long đờm, loãng đờm. Không nên dùng ngay thuốc giảm ho, vì thuốc sẽ làm kìm hãm sự long đờm khiến sự phục hồi chậm trễ.
Triệu chứng sốt
Nếu sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì người bệnh có thể dùng thuốc hạ sốt như ibuprofen, paracetamol. Nếu có bệnh lý nền thì cần tham khảo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, không được dùng thuốc aspirin để hạ sốt cho người bị hen suyễn, bị loét dạ dày – tá tràng.
Triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi
Người bệnh nên vệ sinh mũi miệng bằng nước muối sinh lý hoặc tạo độ ẩm trong phòng bằng máy phun sương để giảm bớt triệu chứng sổ mũi, ngạt khô mũi. Các loại thuốc kháng histamin thường được dùng để thông khô mũi, tuy nhiên sẽ có tác dụng phụ.
Dùng các thuốc kháng virus
Nếu nghi ngờ nguyên nhân gây ra viêm phế quản cấp là do virus cúm, thì sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên, cần dùng sớm trong 36 giờ đầu, kể từ khi triệu chứng bệnh khởi phát.
Khí dung thuốc giãn phế quản
Không nên dùng thuốc giãn phế quản theo đường uống do hiệu quả thấp và có thể có tác dụng phụ như đỏ mặt, run tay, đánh trống ngực… Người bệnh cần sử dụng khí dung thuốc giãn phế quản tại cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi diễn biến bệnh và hiệu quả của thuốc.
Việc điều trị viêm phế quản cấp không phải quá khó khăn, tuy nhiên người bệnh cũng không nên chủ quan dẫn đến những diễn biến khó lường. Hãy đến những cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn điều trị.
Tổng đài: 18001155
Email: info@namhapharma.com
Điện thoại: 18001155
(0228) 3644650
Viêm phế quản cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
02/03/2023
#Cẩm nang sức khoẻ