#Tin tức - Sự kiện
VIÊM MŨI DỊ ỨNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
08/08/2022
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý rất phổ biến, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa. Bệnh thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe, tuy nhiên mang lại nhiều phiền toái trong cuộc sống, gây khó chịu cho người bệnh. Hiểu đúng về bệnh viêm mũi dị ứng sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa và điều trị dứt điểm nếu như mắc phải.
1. Viêm mũi dị ứng là bệnh gì?
Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích và viêm nhiễm do dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài như thời tiết, phấn hoa, lông động vật, khói bụi,… Khi bị viêm mũi dị ứng thường đi kèm theo các triệu chứng như hắt hơi liên tục, sổ mũi, nghẹt mũi, cay mắt, chảy nước mắt, nhiều bệnh nhân còn cảm thấy ngứa cổ họng.
Viêm mũi dị ứng được chia thành 2 dạng chính:
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: Là tình trạng mũi bị viêm vào một thời điểm nhất định, thường là mùa xuân, khi thời tiết chuyển nồm ẩm kèm nhiều phấn hoa.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm: Là tình trạng mũi bị viêm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm do dị ứng với các tác nhân từ môi trường như khói bụi, nấm mốc,…
2. Nguyên nhân chính gây viêm mũi dị ứng
Các nguyên nhân chính gây viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Do thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh, thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều.
- Do người bệnh thường xuyên sống trong môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm
- Do bị dị ứng với lông động vật, phấn hoa, bụi vải,…
- Do dị ứng với mùi nước hoa, mỹ phẩm, sữa tắm,…
- Do dị ứng với các loại thức ăn như hải sản, trứng, sữa,…
3. Triệu chứng điển hình khi bị viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng thường không gây nguy hiểm đến sức khỏe, tuy nhiên các triệu chứng của bệnh thường kéo dài từ vài ngày đến cả tuần gây khó chịu, bất tiện trong cuộc sống của người bệnh, khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ăn, giấc ngủ. Các triệu chứng điểm hình khi bị viêm mũi dị ứng bao gồm:
- Ban đầu, người bệnh cảm thấy ngứa mũi, cay mũi, hắt hơi liên tục vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy.
- Đỏ mắt, cay mắt và chảy nhiều nước mắt
- Sổ mũi, chảy nước mũi trong, lỏng, đặc biệt chảy nhiều mũi sau khi hắt hơi
- Một số trường hợp còn cảm thấy hơi ngứa họng, nóng rát vùng họng.
- Ngạt mũi.
Triệu chứng viêm mũi dị ứng thường kéo dài từ 2 – 7 ngày, gây tình trạng nghẹt mũi tăng dần dẫn đến mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi. Nếu sang giai đoạn mãn tính có thể kèm theo tình trạng nặng đầu, nhức đầu, ù tai,…
4. Cách điều trị viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe, tuy nhiên bệnh lại thường rất khó điều trị dứt điểm, nếu không điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng điển hình của bệnh, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp.
Các phương pháp thường được sử dụng để điều trị bệnh bao gồm:
4.1. Sử dụng nước muối sinh lý
Khi bị viêm mũi dị ứng, cách đơn giản và cho hiệu quả cao để giảm các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi của bệnh là sử dụng nước muối sinh lý 0,9%. Nước muối sinh lý 0,9% có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn tốt, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm, làm giảm lượng dịch nhầy trong mũi.
Hàng ngày, người bệnh sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để nhỏ mũi, ngày 4 – 5 lần, mỗi lần 2 – 3 giọt một bên mũi. Nhỏ liên tục trong khoảng 7 ngày cho đến khi các triệu chứng giảm hẳn.
4.2. Điều trị đặc hiệu
Sau khi xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm mũi dị ứng, các bác sĩ sẽ đưa lượng dị nguyên (nguyên nhân gây dị ứng) với lượng tăng dần vào cơ thể người bệnh để hình thành lên kháng thể tự nhiên bao vây, làm thay đổi sự đáp ứng miễn dịch. Phương pháp điều trị đặc hiệu giúp điều trị triệt để bệnh.
4.3. Điều trị bằng thuốc
Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng và phòng ngừa biến chứng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Phương pháp điều trị này sẽ chỉ giúp làm giảm triệu chứng, người bệnh có thể bị tái phát lại bất cứ lúc nào nếu tiếp xúc với dị nguyên.
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị gồm:
- Thuốc kháng Histamin dạng xịt hoặc uống.
- Kháng sinh, steroid dạng xịt hoặc uống, co mạch.
- Thuốc kháng leukotriene.
- Thuốc ức chế phóng thích hạt của dưỡng bào.
- Kháng cholinergic.
4.4. Phẫu thuật
Với trường hợp bị viêm mũi dị ứng mãn tính, gây biến chứng thoái hóa cuốn mũi, polyp hoặc người bệnh bị gai vách ngăn, lệch vách ngăn gây viêm mũi dị ứng sẽ tiến hành phẫu thuật để làm thay đổi hoặc loại bỏ yếu tố gây thuận lợi.
4.5. Xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp
Ngoài tuần theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần có chế độ sinh hoạt phù hợp, cách ly với các tác nhân gây bệnh để tăng hiệu quả chữa trị cũng như phòng ngừa tái phát.
- Người bệnh cần tránh xa các tác nhân gây bệnh như khói bụi, phấn hoa, lông động vật,… Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang.
- Luôn giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, tránh ẩm mốc, tạo môi trường sống xanh, sạch, thoáng mát.
- Luôn giữ ấm cơ thể, đặc biệt khi thời tiết giao mùa chuyển đột ngột từ nóng sang lạnh.
5. Biện pháp phòng ngừa viêm mũi dị ứng
Để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng: Khi biết bản thân dị ứng với tác nhân nào, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân đó. Nếu phải vào trong vùng có nguy cơ xuất hiện các tác nhân gây dị ứng, nên đeo khẩu trang để tránh mũi và họng hít phải.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Nếu hệ miễn dịch của bạn yếu, cơ thể sẽ rất dễ bị dị ứng. Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn, luyện tập thể dục thể thao, tạo môi trường sống trong lành sẽ giúp bảo vệ cơ thể tránh khỏi bệnh viêm mũi dị ứng.
- Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để súc họng miệng, nhỏ mũi hàng ngày để làm sạch tác nhân gây bệnh, cân bằng ẩm cho mũi.
Viêm mũi dị ứng thường có triệu chứng kéo dài từ 2 – 7 ngày, người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để trị dứt điểm bệnh, tránh để bệnh sang giai đoạn mãn tính, gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không có tác dụng thay thế việc chẩn đoán và chữa trị. Bạn hãy đi khá sớm nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh.
Tổng đài: 18001155
Email: info@namhapharma.com
Điện thoại: 18001155
(0228) 3644650
VIÊM MŨI DỊ ỨNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ
08/08/2022
#Cẩm nang sức khoẻ